So sánh sản phẩm

Các trường hợp xóa án tích theo quy định của pháp luật

Các trường hợp xóa án tích theo quy định của pháp luật

          Theo quy định của BLHS thì xóa án tích được phân loại thành các trường hợp: Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70); Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71); Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72) và Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi (Điều 107). Tùy từng trường hợp của người phạm tội đã bị kết án mà người đó có thể được xóa án tích theo một trong các căn cứ này.

          Thứ nhất, đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của BLHS, khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định về thời hạn đương nhiên xóa án tích tại khoản 2 và khoản 3 Điều 70 BLHS.

          Cách xác định thời hạn đương nhiên xóa án tích như sau: Nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn:

          - 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

          - 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

          - 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

          - 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

          Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm lưu trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước đi một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

          Ngoài ra, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định nêu trên.

          Đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích, cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét các điều kiện theo quy định nêu trên là Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (bao gồm: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp).

                                                                             Ảnh minh họa.

          Thứ hai, xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định về thời hạn tại khoản 2 Điều 71 BLHS thì Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án.

          Thời hạn xóa án tích theo quyết định của Tòa án được xác định là từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn:

          - 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

          - 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

          - 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

          - 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

          Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn trên thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

          Thứ ba, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 72 BLHS được áp dụng trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã đảm bảo được ít nhất một phần ba thời hạn tại một trong các thời hạn nêu trên. 

          Thứ tư, theo quy định tại Điều 107 BLHS thì người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

          - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;

          - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

          - Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

          Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn:

          - 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

          - 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

          - 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

          - 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.

----------------------------------------------

Bài viết mang tính chất tham khảo do Văn phòng luật sư Như Khuê thực hiện, mọi chi thông tin cần tư vấn, liên hệ:

- Trụ sở chính: số 16 Phan Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

- Chi nhánh Tp. HCM: số 19 đường số 4, khu DC Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. HCM

SĐT: 0971862176

Gmail: vplsnhukhue@gmail.com

         

         

 

Tags:,

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

Tin liên quan